PHƯƠNG PHÁP XẾP HẠNG VNUR 2023
NHỮNG TIẾP CẬN CHÍNH
- Tầm bao phủ lớn: VNUR đưa vào bảng xếp hạng tất cả các trường đại học của Việt Nam có đào tạo bậc cử nhân hoặc tương đương trở lên. Những cơ sở giáo dục chỉ đào tạo sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) không được xếp hạng.
- Tự thu thập dữ liệu: VNUR thu thập dữ liệu để xếp hạng từ các nguồn tin cậy và khách quan mà không dựa vào các báo cáo do các trường đại học cung cấp.
- Dựa vào tiêu chuẩn/chỉ số: VNUR xếp hạng dựa trên bộ tiêu chuẩn và tiêu chí được đề ra mà không sử dụng thông tin thông qua các dạng khảo sát.
- Đảm bảo tính minh bạch: VNUR giải thích rõ tính minh bạch của xếp hạng thông qua mô tả chi tiết các tiêu chuẩn/tiêu chí, thu thập và xử lý số liệu cũng như các kỹ thuật xử lý thống kê được sử dụng.
- Cập nhật: Định kỳ cập nhật và hoàn thiện hơn các phương pháp và hình thức xếp hạng phù hợp với bối cảnh cụ thể của giáo dục đại học Việt Nam.
- Chuẩn mực xếp hạng quốc tế: VNUR thiết kế và thực hiện xếp hạng theo Các nguyên tắc Berlin về xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học của IREG (International Ranking Expert Group) Observatory.
TIÊU CHUẨN VÀ TIÊU CHÍ XẾP HẠNG
VNUR tiến hành việc xếp hạng các trường đại học thông qua thu thập và xử lý số liệu theo 6 tiêu chuẩn (criteria), bao gồm 17 chỉ số (indicators) quan trọng được định cỡ (calibrated) nhằm tạo được sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất, qua đó đảm bảo độ tin cậy cao đối với học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, sinh viên đại học, cũng như các trường đại học và Chính phủ. Việc lựa chọn các tiêu chuẩn và tiêu chí để đánh giá và xếp hạng của VNUR dựa trên những nguyên tắc sau:
- Phù hợp với các quy định chung cũng như các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về chất lượng của trường đại học.
- Các tiêu chuẩn/tiêu chí được tính toán dựa trên các cơ sở dữ liệu và định mức được thu thập từ các nguồn chính thống, tin cậy và khách quan.
- Phù hợp với xu thế quốc tế.
6 tiêu chuẩn gồm:
- Chất lượng được công nhận
- Dạy học
- Công bố bài báo khoa học
- Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế
- Chất lượng người học
- Cơ sở vật chất
Cụ thể Bộ Tiêu chuẩn và Tiêu chí của VNUR như sau:
Tiêu chuẩn 1: Chất lượng được công nhận (30%)
Tiêu chuẩn này được chọn trên cơ sở thực tế là hệ thống các dữ liệu thông tin về các trường đại học ở Việt Nam còn tản mát, không đầy đủ, không thường xuyên và độ tin cậy không cao. Trong những năm gần đây có nhiều trường đại học Việt Nam tham gia các hình thức khác nhau của đảm bảo chất lượng đã tạo nên một hệ thống dữ liệu tin cậy, có rà soát nghiêm túc và đánh giá nghiêm ngặt hầu hết các khía cạnh chất lượng nên đáng được sử dụng để đánh giá chất lượng chung của trường đại học. Chất lượng được công nhận được xác định dựa trên các kết quả công bố về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation) và định hạng (rating). Tiêu chuẩn chất lượng được công nhận có trọng số lớn nhất là 30% và gồm 6 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 1: Thứ hạng (ranking) toàn cầu hoặc khu vực (Trọng số 8%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu được thu thập từ kết quả xếp hạng hàng năm của các bảng xếp hạng toàn cầu uy tín như QS, THE, ARWU… Trường có tên trong nhiều bảng xếp hạng thì sẽ tính điểm với bảng có thứ hạng cao nhất.
Tiêu chí 2: Kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (Trọng số 6%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định cơ sở giáo dục bởi các tổ chức quốc tế hoặc khu vực uy tín như HRECES, AUN-QA… được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chí 3: Kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (Trọng số 6%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức quốc tế hoặc khu vực uy tín như AUN-QA, ABET, ACBSP, FIBAA… được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chí 4: Kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định cơ sở giáo dục bởi các trung tâm kiểm định trong nước được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chí 5: Kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định chương trình đào tạo bởi các trung tâm kiểm định trong nước được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chí 6: Định hạng (rating) (Trọng số 2%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả định hạng được thu thập từ công bố của QS Star và UPM.
Tiêu chuẩn 2: Dạy học (25%)
Tiêu chuẩn có trọng số là 25% và gồm 2 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 7: Tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên (Trọng số 13%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm và có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.
Tiêu chí 8: Tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (Trọng số 12%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm.
Tiêu chuẩn 3: Công bố bài báo khoa học (20%):
Tiêu chuẩn có trọng số là 20% và gồm 3 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 9: Số lượng bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science (Trọng số 8%): Tiêu chí này được được tính bằng tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 5 năm liên tục cho đến năm xếp hạng của VNUR.
Tiêu chí 10: Năng suất công bố bài báo khoa học của toàn trường theo Web of Science (Trọng số 7%): Tiêu chí này được được tính bằng tỷ lệ tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 2 năm liên tục cho đến năm xếp hạng của VNUR trên tổng số giảng viên trong cùng thời kỳ.
Tiêu chí 11: Ảnh hưởng của bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science (Trọng số 5%): Tiêu chí này được được tính bằng tỷ lệ tổng số trích dẫn trên toàn bộ bài báo được Web of Science công bố trong năm xếp hạng của VNUR.
Tiêu chuẩn 4: Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%):
Tiêu chuẩn này có trọng số là 10% và gồm 2 tiêu chí:
Tiêu chí 12: Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước, Bộ Ngành, tỉnh thành phố và cấp cơ sở (Trọng số 7%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào trong 3 năm gần nhất.
Tiêu chí 13: Số lượng bằng sáng chế được công bố (Trọng số: 3%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trong 3 năm gần nhất.
Tiêu chuẩn 5: Chất lượng người học (10%)
Tiêu chuẩn có trọng số là 10% và gồm 2 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 14: Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (Trọng số 8%): Tiêu chí này được xác định bằng điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất vào trường bằng phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Dữ liệu được thu thập từ website của các cơ sở giáo dục đại học công bố trong năm xếp hạng của VNUR.
Tiêu chí 15: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (Trọng số 2%): Tiêu chí này được thu thập từ Báo cáo công khai và Đề án tuyển sinh năm hàng năm của cơ sở giáo dục đại học. Đây là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp của năm trước thời điểm xếp hạng.
Tiêu chuẩn 6: Cơ sở vật chất (5%):
Tiêu chuẩn này có trọng số là 5% và gồm 2 tiêu chí:
Tiêu chí 16: Tỉ lệ diện tích sàn xây dựng toàn trường trên mỗi sinh viên (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm, có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.
Tiêu chí 17: Số lượng e-books, số lượng sách in, số lượng nguồn CSDL v.v…) (Trọng số: 1%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm, có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.
6 Tiêu chuẩn cùng 17 Tiêu chí được tóm tắt ở Bảng 1:
Bảng 1: Bảng tóm tắt 6 Tiêu chuẩn và 17 Tiêu chí của VNUR
Tiêu chuẩn 1: Chất lượng được công nhận (30%) | Tiêu chuẩn 2: Dạy học (25%) | Tiêu chuẩn 3: Công bố bài báo khoa học (20%) | Tiêu chuẩn 4: Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%) | Tiêu chuẩn 5: Chất lượng người học (10%) | Tiêu chuẩn 6: Cơ sở vật chất (5%) |
Tiêu chí 1: Xếp hạng (8%) | Tiêu chí 7: Tỉ lệ sinh viên trên một giảng viên (13%) | Tiêu chí 9: Số lượng bài báo của toàn trường theo WOS (8%)
| Tiêu chí 12: Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước, Bộ Ngành, tỉnh thành phố và cấp cơ sở (7%) | Tiêu chí 14: Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (8%) | Tiêu chí 16: Tỉ lệ diện tích sàn xây dựng toàn trường trên mỗi sinh viên ( 4%) |
Tiêu chí 2: Kiểm định cơ sở giáo dục theo quốc tế (6%): | Tiêu chí 8: Tỉ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (12%) | Tiêu chí 10: Năng suất công bố bài báo theo WOS (7%) | Tiêu chí 13: Số lượng bằng sáng chế được công bố (3%) | Tiêu chí 15: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (2%) | Tiêu chí 17: Số lượng e-books, số lượng sách in, số lượng nguồn CSDL (1%) |
Tiêu chí 3: Kiểm định chương trình đào tạo theo quốc tế (6%) | Tiêu chí 11: Ảnh hưởng của bài báo toàn trường theo WOS (5%) | ||||
Tiêu chí 4: Kiểm định cơ sở giáo dục trong nước (4%) | |||||
Tiêu chí 5: Kiểm định chương trình đào tạo theo trong nước (4%) | |||||
Tiêu chí 6: Định hạng (2%) |
XỬ LÝ SỐ LIỆU
Các chỉ số thu thập được bao gồm nhiều chủng loại khác nhau như số đếm (numerical), số thứ tự (ordinal), phần trăm (percentage) v.v… Do vậy cần thực hiện việc đối sánh, chuyển đổi và sau đó là kết hợp lại vào một chỉ số nhất định. Để làm điều này, VNUR sử dụng phương pháp tiêu chuẩn hóa (normalisation approach) cho từng chỉ số. Tiếp cận tiêu chuẩn hóa được sử dụng ở đây dựa trên việc phân phối dữ liệu trong một chỉ số cụ thể. Sau đó kết hợp các chỉ số cùng trong cùng một tiêu chuẩn theo trọng số được nêu chi tiết ở trên.
Bên cạnh đó, VNUR còn dùng Đồ thị phân bố chuẩn của Gauss (Gaussian Normal Distribution) để so sánh và điều chỉnh trọng số của 6 Tiêu chuẩn được chọn.
SỐ TRƯỜNG ĐƯỢC XẾP HẠNG
VNUR tiến hành thu thập và xử lý dữ liệu của tổng số 191 đại học/trường đại học/học viện có đào tạo cử nhân ở Việt Nam (theo https://moet.gov.vn). VNUR không xếp hạng các trường thành viên của 2 Đại học Quốc gia (14) và 3 Đại học Vùng (21), các trường thuộc khối quân sự (07 trường), an ninh (04) và 20 trường đại học/học viện không thu thập được dữ liệu. Năm 2023 dự kiến công bố bảng xếp hạng của 100 trường đại học tốp đầu.
NỘI DUNG XẾP HẠNG
Nội dung xếp hạng được trình bày theo dạng bảng chung: BẢNG XẾP HẠNG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM NĂM 2023 – TOÀN QUỐC. Thông qua các công cụ tìm kiếm, có thể tham khảo các loại xếp hạng trường đại học theo:
- Loại hình công lập và tư thục
- Vùng/Miền
- Tỉnh/Thành phố
- Khối ngành
Tương tự, bằng cách nhấp vào từng Tiêu chuẩn trên Bảng ta có thể tham khảo xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chuẩn.
NGÔN NGỮ
Các nội dung xếp hạng còn được lập trình để dịch sơ bộ ra tiếng Anh, Trung Quốc, Lào, Khmer, Hàn Quốc và Nhật Bản qua công cụ google translate để hướng tới các đối tượng quan tâm từ nước ngoài.