PHÂN TÍCH KẾT QUẢ XẾP HẠNG VNUR 2023
Bảng xếp hạng đại học Việt Nam 2023 (VNUR) đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin rất lớn bao gồm các Báo cáo ba công khai, các Đề án tuyển sinh, các dữ liệu về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation), định hạng (rating) vào năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, QS, THE…, QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn 5 năm (2018-2022), dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các trang web có liên quan. Tổng cộng có 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng. Việc xếp hạng được thực hiện thông qua chỉ số gồm 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí được lựa chọn, phản ánh khá toàn diện các chức năng hoạt động cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Đối với năm 2023, VNUR công bố Bảng xếp hạng top 100 trường đại học cùng với những phân tích như sau:
Các trường đại học thứ hạng cao có tuổi đời lâu năm
Hiện trạng của các bảng xếp hạng đại học trên quốc tế đều chỉ ra rằng, các trường đại học có thứ hạng cao thường có tuổi đời lâu năm hơn cả. Bảng xếp hạng đại học của Việt Nam cũng có kết quả tương tự. Cụ thể là tuổi đời trung bình của trường đại học để lọt vào top 100 là 34 năm, số tuổi khá cao trong bối cảnh nền giáo dục đại học khá non trẻ của Việt Nam vốn được bắt đầu từ năm 1945. Tuy nhiên có sự phân hóa khá rõ nét là nhóm 1/3 các trường có thứ hạng cao nhất có tuổi đời trung bình là 48 năm, nhóm 1/3 ở giữa là: 30, còn nhóm 1/3 ở cuối top 100 là 23 năm. Tuy nhiên, trong xu thế chung như vậy, có một số ngoại lệ, chẳng hạn như có một số trường đại học có có tuổi đời thấp nhưng có thứ hạng cao như: Trường Đại học Thủ Dầu Một (13 năm, thứ hạng 15), Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội (8 năm, thứ hạng 34), Trường Đại học Phenikaa (4 năm, thứ hạng 41), Học viện Tòa án (7 năm, thứ hạng 93). Ngược lại, có một số trường có tuổi đời cao, song dường như có thứ hạng chưa tương xứng như: Trường Đại học Y Hà Nội (77 năm, thứ hạng 29), Trường Đại học Y Dược TP. HCM (75 năm, thứ hạng 49), Trường Đại học Hải Phòng (63 năm, thứ hạng 78), Trường Đại học Lâm Nghiệp (53 năm, thứ hạng 90) (xem Hình 1).
Các trường đại học có thứ hạng cao tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ :
Trong top 100 trường đại học của VNUR có tới 49% trường tại Đồng bằng Sông Hồng và 31% tại Đông Nam Bộ. Dưới góc độ khác, các trường đại học trong top 100 chiếm tỷ lệ 56% trong tổng số các trường tại Đồng bằng Sông Hồng, còn đối với Đông Nam Bộ tỷ lệ này lên tới 66%. Điều này cho thấy tỷ lệ trường có thứ hạng cao tập trung nhiều hơn cả ở 2 vùng đồng bằng, đặc biệt ở Đông Nam Bộ, trong khi đó 20% số trường còn lại phân bổ rải rác ở 4 vùng kinh tế còn lại, trong đó vùng Trung du và miền núi phía Bắc cùng Tây Nguyên có tỷ lệ trường trong top 100 thấp nhất là 2% cho mỗi vùng (xem Hình 2).
Các trường đại học Đa ngành có tỷ lệ áp đảo, song hầu hết các trường đại học nhóm Sức khỏe có mặt trong top 100
Dưới góc độ nhóm ngành đào tạo, số lượng các trường đại học Đa ngành nằm trong top 100 là nhiều hơn cả, chiếm tới 49%, trong khi đó 51% số trường trong top 100 phân bổ cho 11 nhóm ngành còn lại. Chiếm vị trí sau nhóm Đa ngành, nhóm ngành đào tạo Kỹ thuật – Công nghệ và Sức khỏe cùng có tới 12% nằm trong top 100. Tỷ lệ của các trường đại học nhóm ngành Kinh tế-Tài chính chiếm 8%. Mặt khác, nếu so với tổng số các trường đào tạo Đa ngành của cả nước, thì chỉ có 46% số trường nằm trong top 100, trong khi đó tỷ lệ tương tự của các trường thuộc nhóm ngành đào tạo Kỹ thuật – Công nghệ và Sức khỏe nằm trong top 100 chiếm tới 60% và 92% so với tổng số các trường tương ứng của cả nước. Có thể nói hầu hết các trường thuộc nhóm ngành Sức khỏe đều nằm trong top 100 của VNUR. Chi tiết Phân bổ các trường đại học top 100 theo nhóm ngành đào tạo được trình bày ở Hình 3.
Các trường đại học công lập chiếm tỷ lệ áp đảo, song có trường đại học tư thục vươn tới vị thế “tinh hoa”
Trong top 100 trường đại học của VNUR trường công lập chiếm đa số với tỷ lệ là 84%, trong khi đó các trường tư thục chỉ có tỷ lệ 16%. Mặt khác, nếu so với tổng số các trường công lập của cả nước, thì 62% số trường này nằm trong top 100, trong khi trường tư thục chỉ có tỷ lệ 29%. Điều này cho thấy do sứ mạng chính của các trường đại học tư thục là “giảm tải nhu cầu” (demand-absorbing) nên thường đặc trưng bởi chất lượng không cao của đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất cùng với sự thiếu hụt trong nghiên cứu khoa học cũng như hợp tác quốc tế. Vì vậy việc các trường đại học tư thục thường có thứ hạng thấp trong các bảng xếp hạng quốc gia là phổ biến. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ (xem Hình 4). Tuy nhiên, VNUR cũng cho ta thấy có hiện tượng một số ít trường đại học tư thục có vị trí thứ hạng cao không thua kém các trường đại học công lập nổi tiếng. Chẳng hạn Trường Đại học Duy Tân là trường đại học tư thục song có thứ hạng thứ 5 trong top 100 của VNUR, thuộc nhóm 11 trường đại học “tinh hoa” của Việt Nam. Trong 50 trường hàng đầu của Việt Nam ta còn thấy các đại diện đại học tư thục như Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (thứ hạng 19), Trường Đại học Công nghệ TP. HCM (thứ hạng 32) và Trường Đại học Phenikaa (thứ hạng 41).
Hình thành nhóm các trường đại học “tinh hoa” Việt Nam
So sánh với Bảng xếp hạng quốc tế QS Assia 2023 đối với Việt Nam dễ dàng nhận thấy 11 trường đại học Việt Nam có mặt trong top đầu tiên của VNUR 2023 đều hiện diện trong Bảng xếp hạng QS danh tiếng này, tuy nhiên thứ hạng của từng trường cụ thể có thay đổi. Đây có thể là sự trùng lặp ngẫu nhiên thú vị, song dưới góc độ nhất định điều này khẳng định vị thế dẫn đầu của 11 trường đại học nêu trên về danh tiếng và dư luận xã hội. Danh sách 11 trường này bao gồm 2 đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội (thứ hạng 1) và Đại học Quốc gia TPHCM (thứ hạng 2), 2 đại học vùng là Đại học Đà Nẵng (thứ hạng 9) và Đại học Huế (thứ hạng 10). Các trường đại học khác đều là những trường đại học lớn và có tiếng như Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thứ hạng 3), Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ hạng 4), Trường Đại học Duy Tân (thứ hạng 5), Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (thứ hạng 6), Trường Đại học Cần Thơ (thứ hạng 7), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (thứ hạng 8) và Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (thứ hạng 11). Top 11 trường này bao gồm đại diện của các nhóm Đa ngành, Kỹ thuật-Công nghệ, Kinh tế-Tài chính, Sư phạm và bao gồm cả loại hình công lập và tư thục. Có thể coi 11 trường này là nhóm các trường “tinh hoa” của Việt Nam (xem Bảng 1).
Sự thay đổi về thứ hạng của các trường đại học nhóm Tinh hoa giữa VNUR và QS ASIA là dễ hiểu vì sự khác nhau giữa hai bộ tiêu chẩn đánh giá cũng như các trọng số tương ứng. Các tiêu chuẩn của VNUR ưu tiên hơn các tiêu chuẩn về xếp hạng/kiểm định, dạy học và các tiêu chuẩn khác phù hợp với định hướng phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
Bảng 1: Xếp hạng 11 trường đại học “tinh hoa” Việt Nam theo VNUR 2023 và QS ASIA VIET NAM 2023
TÊN TRƯỜNG | XẾP HẠNG VNUR 2023 | XẾP HẠNG QS ASIA FOR VIET NAM 2023 |
---|---|---|
Đại học Quốc gia Hà Nội (Công lập) | 1 | 3 (QS ASIA=162) |
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (Công lập) | 2 | 4 (QS ASIA=167) |
Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Công lập) | 3 | 1 (QS ASIA=138) |
Đại học Bách khoa Hà Nội (Công lập) | 4 | 5 (QS ASIA=248) |
Trường Đại học Duy Tân (Tư thục) | 5 | 2 (QS ASIA=145) |
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (Công lập) | 6 | 7 (QS ASIA=401-450 |
Trường Đại học Cần Thơ (Công lập) | 7 | 9 (QS ASIA=551-600) |
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Công lập) | 8 | 10 (QS ASIA=601-650 |
Đại học Đà Nẵng (Công lập) | 9 | 8 (QS ASIA=501-550 |
Đại học Huế (Công lập) | 10 | 6 (QS ASIA=351-400) |
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Công lập) | 11 | 11 (QS ASIA=651-700) |