TIÊU CHUẨN VÀ TIÊU CHÍ XẾP HẠNG

VNUR tiến hành việc xếp hạng các trường đại học thông qua thu thập và xử lý số liệu theo 6 tiêu chuẩn (Criteria), bao gồm 19 chỉ số (Indicators) quan trọng được định cỡ (calibrated) nhằm tạo được sự đối sánh toàn diện và cân bằng nhất, qua đó đảm bảo độ tin cậy cao đối với học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, sinh viên đại học, cũng như các trường đại học và chính phủ. 6 tiêu chuẩn gồm:

  1. Chất lượng được công nhận
  2. Dạy học
  3. Nghiên cứu
  4. Chất lượng người học
  5. Cơ sở vật chất
  6. Quốc tế hóa

Việc lựa chọn các tiêu chuẩn và tiêu chí để đánh giá và xếp hạng của VNUR dựa trên những nguyên tắc sau:

  1. Phù hợp với các quy định chung cũng như các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về chất lượng của trường đại học.
  2. Các tiêu chuẩn/tiêu chí được tính toán dựa trên các cơ sở dũ liệu và định mức được thu thập từ các nguồn chính thống, tin cậy và khách quan.
  3. Có tính đến xu thế quốc tế

Cụ thể Bộ Tiêu chuẩn và Tiêu chí của VNUR như sau:

Tiêu chuẩn 1: Chất lượng được công nhận (34%)

Tiêu chuẩn này được chọn trên cơ sở thực tế là hệ thống các dữ liệu thông tin về các trường đại học ở Việt Nam còn tản mát, không đầy đủ, không thường xuyên và độ tin cậy không cao. Trong những năm gần đây có nhiều trường đại học Việt Nam tham gia các hình thức khác nhau của đảm bảo chất lượng đã tạo nên một hệ thống dữ liệu tin cậy, có rà soát nghiêm túc và đánh giá nghiêm ngặt hầu hết các khía cạnh chất lượng nên đáng được sử dụng để đánh giá chất lượng chung của trường đại học. Chất lượng được công nhận được xác định dựa trên các kết quả công bố về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation) và định hạng (rating). Tiêu chuẩn chất lượng được công nhận có trọng số lớn nhất là 34% và gồm 6 tiêu chí như sau:

  1. Xếp hạng (ranking) toàn cầu hoặc khu vực (Trọng số 7%): Các số liệu được thu thập từ kết quả xếp hạng hàng năm của các bảng xếp hạng toàn cầu uy tín như QS, THE, ARWU… Trường có tên trong nhiều bảng xếp hạng thì sẽ tính điểm với bảng có thứ hạng cao nhất.
  2. Kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (Trọng số 7%): Các số liệu kết quả kiểm định cơ sở giáo dục bởi các tổ chức quốc tế hoặc khu vực uy tín như HRECES, AUN-QA… được thu thập từ công bố hàng năm của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  3. Kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (Trọng số 7%): Các số liệu kết quả kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức quốc tế hoặc khu vực uy tín như AUN-QA, ABET, ACBSB, FIBAA… được thu thập từ công bố hàng năm của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  4. Kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước (Trọng số 5%): Các số liệu kết quả kiểm định cơ sở giáo dục bởi các trung tâm kiểm định trong nước được thu thập từ công bố hàng năm của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  5. Kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước (Trọng số 5%): Các số liệu kết quả kiểm định chương trình đào tạo bởi các trung tâm kiểm định trong nước được thu thập từ công bố hàng năm của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  6. Định hạng (rating) (Trọng số 3%): Các số liệu kết quả định hạng được thu thập từ công bố hàng năm của QS Star và UPM.

Tiêu chuẩn 2: Dạy học (25%)

Tiêu chuẩn có trọng số là 25% và gồm 2 tiêu chí như sau:

  1. Tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên (Trọng số 13%): Tỷ lệ này được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo Ba công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm và có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.
  2. Tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (Trọng số 12%): Tỷ lệ này được xác định dựa vào các thông tin của Ba công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm.

Tiêu chuẩn 3: Nghiên cứu (15%):

Tiêu chuẩn có trọng số là 15% và gồm 5 tiêu chí như sau:

  1. Số lượng bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science (Trọng số 7%): Tiêu chí này được được tính bằng tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 5 năm liên tục cho đến năm xếp hạng của VNUR.
  2. Năng suất công bố bài báo khoa học của toàn trường theo Web of Science (Trọng số 3%): Tiêu chí này được được tính bằng tỷ lệ tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 2 năm liên tục cho đến năm xếp hạng của VNUR trên tổng số giảng viên trong cùng thời kỳ.
  3. Ảnh hưởng của bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science (Trọng số 3%): Tiêu chí này được được tính bằng tỷ lệ tổng số trích dẫn trên toàn bộ bài báo được Web of Science công bố trong năm xếp hạng của VNUR.
  4. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đã được Bộ Giáo dục Đào tạo công bố (Trọng số: 1%): Chỉ số này được xác định dựa vào các thông tin do Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào năm trước.
  5. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình Nafosted được công bố (Trọng số: 1%): Chỉ số này được xác định dựa vào các thông tin do Chương trình Nafosted của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào năm trước.

Tiêu chuẩn 4: Chất lượng người học (13%)

Tiêu chuẩn có trọng số là 13% và gồm 2 tiêu chí như sau:

  1. Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (Trọng số 7%): Tiêu chí này được xác định bằng điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất vào trường bằng phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Dữ liệu được thu thập từ website của các cơ sở giáo dục đại học công bố.
  2. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (Trọng số 5%): Tiêu chuẩn chí này được thu thập từ báo cáo Ba công khai hoặc Đề án tuyển sinh năm hang năm của cơ sở giáo dục đại học.

Tiêu chuẩn 5: Cơ sở vật chất (9%):

Tiêu chuẩn này có trọng số là 9% và gồm 2 tiêu chí:

  1. Tỉ lệ diện tích sàn xây dựng toàn trường trên mỗi sinh viên (Trọng số 7%): Chỉ số này được xác định dựa vào các thông tin của Ba công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm, có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.
  2. Số lượng e-books, số lượng sách in, số lượng nguồn CSDL v.v…) (Trọng số: 2%): Chỉ số này được xác định dựa vào các thông tin của Ba công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm, có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.

Tiêu chuẩn 6: Quốc tế hóa (5%):

Tiêu chuẩn này có trọng số là 5% và gồm 2 tiêu chí:

  1. Số lượng sinh viên quốc tế đến học tại trường (Trọng số 3%): Chỉ số này được xác định dựa vào các thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào năm gần nhất.
  2. Số lượng chương trình liên kết với trường đại học nước ngoài (Trọng số: 2%): Chỉ số này được xác định dựa vào các thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào năm gần nhất.