Bảng xếp hạng nào cho ĐH của Việt Nam?

TP – Viet Nam’s University Rankings (VNUR) vừa công bố bảng xếp hạng 100 trường đại học (ĐH) Việt Nam năm 2023. Bảng xếp hạng do nhóm các nhà khoa học trong nước thực hiện đã nhận được sự quan tâm của xã hội và giới học thuật.

VNUR không phải là bảng xếp hạng đầu tiên của Việt Nam. Năm 2017, một nhóm chuyên gia độc lập gồm 6 người Việt (sinh sống và làm việc trong nước hoặc nước ngoài) đã xây dựng bảng xếp hạng 49 trường ĐH của Việt Nam. Đây có thể coi là bảng xếp hạng ĐH đầu tiên của Việt Nam, tuy số lượng các trường được xếp hạng không lớn. Nhóm chuyên gia độc lập cho biết đã tiến hành xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam trong vòng 3 năm với tiêu chí xây dựng bảng xếp hạng phù hợp với Việt Nam. Nhưng sau khi nhóm chuyên gia công bố, kết quả xếp hạng đã gây tranh cãi trong dư luận. Điều gây tranh cãi ở bảng xếp hạng 49 ĐH hàng đầu tại Việt Nam là việc các trường trẻ như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân lại có mặt trong top 10, còn các trường ĐH khối Kinh tế lại có vị trí khá thấp dù cũng thuộc hàng tên tuổi, như Trường ĐH Ngoại Thương chỉ đứng thứ 23, còn Trường ĐH Thương mại là 29, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân 30, Học viện Tài chính 40 và Học viện Ngân hàng 47.

Bảng xếp hạng nào cho ĐH của Việt Nam? ảnh 1

Bảng xếp hạng ĐH năm 2023 do nhóm các nhà khoa học trong nước xây dựng thu hút sự quan tâm của xã hội Ảnh: Trọng Tài

Còn VNUR 2023 đã tiến hành rà soát tất cả 237 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin rất lớn bao gồm các báo cáo 3 công khai, đề án tuyển sinh, dữ liệu về xếp hạng (ranking), kiểm định (accreditation), định hạng (rating) vào năm 2022.

Tổng cộng có 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng, được thực hiện thông qua chỉ số gồm 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí được lựa chọn. Theo kết quả xếp hạng này, 10 cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu Việt Nam vẫn có sự hiện diện của Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Dưới góc độ nhóm ngành đào tạo, số lượng các trường ĐH đa ngành nằm trong top 100 là nhiều hơn cả, chiếm tới 49%, trong khi đó 51% số trường trong top 100 phân bổ cho 11 nhóm ngành còn lại. Chiếm vị trí sau nhóm đa ngành, nhóm ngành đào tạo Kỹ thuật-Công nghệ và sức khỏe cùng có tới 12% nằm trong top 100. Tỷ lệ của các trường ĐH nhóm ngành Kinh tế-Tài chính chiếm 8%. Có thể thấy, hầu hết các trường thuộc nhóm ngành sức khỏe đều nằm trong top 100 của VNUR. Tuy nhiên, vị trí đều xa top 20.

Trong khi đó, ngày 1/2 vừa qua, Phòng Thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha – Webomatrics) đã công bố bảng xếp hạng lần thứ nhất các trường đại học trên thế giới năm 2023. Trong top 10 của Việt Nam, cơ bản vẫn là danh sách các trường như của VNUR đã xếp hạng chỉ có thay đổi vị trí một chút. Nhưng ở top 100, có sự thay đổi đáng kể vị trí đối với một số trường như Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội xếp thứ 98 ở Webometrics và xếp thứ 55 ở VNUR, chênh nhau 43 bậc. Hay Trường ĐH Thủy lợi, Webometrics xếp trường thứ 31, còn VNUR xếp thứ 12. Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong bảng xếp hạng của Webometrics, trường đứng thứ 22, trong khi đó tại bảng xếp hạng VNUR chênh 60 bậc và đứng thứ 82…TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi cho rằng mỗi một bảng xếp hạng, mỗi tổ chức đánh giá/xếp hạng sẽ có bộ tiêu chí riêng và hoàn toàn độc lập với các trường nên cá nhân ông tôn trọng các kết quả và đánh giá rất cao việc làm của những tổ chức nêu trên. Cũng chính vì mỗi tổ chức xếp hạng đều có bộ tiêu chí đánh giá riêng nên không nên so sánh bảng xếp hạng này với bảng xếp hạng khác. Mỗi bảng đánh giá, xếp hạng đều là sự ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến và kết quả của mỗi trường dựa trên bộ tiêu chí đó.

https://tienphong.vn/bang-xep-hang-nao-cho-dh-cua-viet-nam-post1511642.tpo