Việc Đại học Bách khoa Hà Nội đứng đầu về tiêu chuẩn dạy học nhưng lại xếp thứ 181/191 về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trong Bảng xếp hạng các trường đại học của Việt Nam (VNUR) năm 2023 gây ra sự khó hiểu trong dư luận vì đây là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam đào tạo các khối ngành kỹ thuật, nhất là Công nghệ thông tin.
Trao đổi với VOV2 ngày 21/2, ông Nguyễn Vinh San, Thạc sỹ Đo lường và Đánh giá trong Giáo dục, Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng), thành viên chủ chốt của VNUR cho biết, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, VNUR chỉ dựa vào hai tiêu chí: Diện tích xây dựng/sinh viên và số lượng sách, giáo trình trong thư viện.
Ông San thừa nhận, hai tiêu chí này chưa thể đánh giá toàn diện về cơ sở vật chất của một trường, đặc biệt là chất lượng, số lượng cơ sở vật chất hoặc cảnh quan của nhà trường… Trong bộ tiêu chuẩn của VNUR để xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học Việt Nam, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cũng nằm thấp nhất trong tất cả các tiêu chuẩn. Và bộ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất mà VNUR đưa vào chỉ mang tính chất khuyến khích và đánh động ở bước đầu.
Cụ thể, ông San lý giải, Đại học Bách khoa Hà Nội tiêu chuẩn cơ sở vật chất đứng thứ 181/191 trường được đánh giá cho thấy tỷ lệ xây dựng/sinh viên chưa được cao như các trường khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa cơ sở vật chất của Đại học Bách khoa tệ hơn các trường khác mà đơn giản tỷ lệ xây dựng/sinh viên của các trường khác cao hơn Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Không hẳn xếp ở hạng thấp là cơ sở vật chất của trường đó tệ mà các trường khác đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ xây dựng tốt hơn”, ông San nhấn mạnh.
Đại diện VNUR cũng cho biết, các tiêu chí xếp hạng khó có thể đánh giá toàn diện mà chỉ mang tính chất tham khảo và chỉ đánh giá trên tiêu chí đó mà thôi.
Liên quan đến các nguồn dữ liệu để VNUR làm căn cứ xếp hạng các trường đại học Việt Nam, ông Nguyễn Vinh San cho biết, các dữ liệu được nhóm nghiên cứu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó quan trọng nhất là báo cáo ba công khai của các trường được công bố vào tháng 6 hàng năm theo quy định của pháp luật. Đối với các trường chưa kịp công bố báo cáo hàng năm, nhóm nghiên cứu dựa vào đề án tuyển sinh hàng năm.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu từ các Bộ chủ quản, hệ thống công bố khoa học quốc tế…
“Trong phương pháp nghiên cứu, thống kê, phân tích, VNUR cũng tuyên bố thu thập dữ liệu độc lập mà không chờ báo cáo của các trường. Điều này cũng khiến các trường bất ngờ khi xuất hiện trong bảng xếp hạng này”, ông Nguyễn Vinh San chia sẻ.
Nói về sự khác biệt giữa bảng xếp hạng VNUR với các bảng xếp hạng quốc tế, ông San cho biết, VNUR đưa vào tiêu chuẩn về chất lượng được công nhận, sử dụng kết quả kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo được thực hiện bởi các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục…
Trước những ý kiến trái chiều về bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam năm 2023 do VNUR công bố, ông Nguyễn Vinh San cho biết, VNUR đang đi những bước đi đầu tiên, nhóm nghiên cứu cầu thị tiếp nhận những ý kiến phản hồi, phản biện, góp ý của dư luận, của các cơ sở đào tạo để từ đó nhóm nghiên cứu có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Nhóm thực hiện bảng xếp hạng VNUR bắt đầu ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu xây dựng Bảng xếp hạng cho đại học Việt Nam từ cuối năm 2020 và thu thập dữ liệu, xây dựng Bộ tiêu chuẩn vào đầu năm 2021.
Theo VNUR, bảng xếp hạng này sẽ góp phần định hướng học sinh phổ thông cùng với phụ huynh có thể chọn trường đại học Việt Nam phù hợp để theo học; Là một trong công cụ đánh giá mà các doanh nghiệp, các trường đại học trong và ngoài nước có thể sử dụng để lựa chon trường đại học cụ thể để liên kết và hợp tác; Đồng thời lãnh đạo các trường đại học có thể sử dụng kết quả xếp hạng để đánh giá mức độ cạnh tranh của mình với các trường đại học khác trong nước, từ đó đưa ra các quyết định quản lý phù hợp để cải thiện toàn diện tính cạnh tranh của trường…
Bộ tiêu chuẩn và tiêu chí của Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR):
Tiêu chuẩn 1: Chất lượng được công nhận (30%) gồm 6 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 1: Thứ hạng (ranking) toàn cầu hoặc khu vực (trọng số 8%): Tiêu chí này dựa trên các số liệu được thu thập từ kết quả xếp hạng hàng năm của các bảng xếp hạng toàn cầu uy tín như QS, THE, ARWU… Trường có tên trong nhiều bảng xếp hạng thì sẽ tính điểm với bảng có thứ hạng cao nhất.
Tiêu chí 2: Kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (trọng số 6%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định cơ sở giáo dục bởi các tổ chức quốc tế hoặc khu vực uy tín như HRECES, AUN-QA… được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chí 3: Kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (Trọng số 6%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức quốc tế hoặc khu vực uy tín như AUN-QA, ABET, ACBSP, FIBAA… được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chí 4: Kiểm định (accreditation) cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định cơ sở giáo dục bởi các trung tâm kiểm định trong nước được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chí 5: Kiểm định (accreditation) chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả kiểm định chương trình đào tạo bởi các trung tâm kiểm định trong nước được công bố bởi Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiêu chí 6: Định hạng (rating) (Trọng số 2%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu về kết quả định hạng được thu thập từ công bố của QS Star và UPM.
Tiêu chuẩn 2: Dạy học (25%) gồm 2 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 7: Tỉ lệ số lượng sinh viên trên một giảng viên (Trọng số 13%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm và có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.
Tiêu chí 8: Tỉ lệ số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ trên tổng số giảng viên (Trọng số 12%): Tiêu chí này được xác định dựa trên các số liệu của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm.
Tiêu chuẩn 3: Công bố bài báo khoa học (20%):
Tiêu chuẩn có trọng số là 20% và gồm 3 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 9: Số lượng bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science (Trọng số 8%): Tiêu chí này được được tính bằng tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 5 năm liên tục cho đến năm xếp hạng của VNUR.
Tiêu chí 10: Năng suất công bố bài báo khoa học của toàn trường theo Web of Science (Trọng số 7%): Tiêu chí này được được tính bằng tỷ lệ tổng số bài báo được Web of Science công bố trong giai đoạn 2 năm liên tục cho đến năm xếp hạng của VNUR trên tổng số giảng viên trong cùng thời kỳ.
Tiêu chí 11: Ảnh hưởng của bài báo khoa học của toàn trường công bố theo Web of Science (Trọng số 5%): Tiêu chí này được được tính bằng tỷ lệ tổng số trích dẫn trên toàn bộ bài báo được Web of Science công bố trong năm xếp hạng của VNUR.
Tiêu chuẩn 4: Nhiệm vụ khoa học công nghệ và Sáng chế (10%): Gồm 2 tiêu chí:
Tiêu chí 12: Nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước, Bộ Ngành, tỉnh thành phố và cấp cơ sở (Trọng số 7%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào trong 3 năm gần nhất.
Tiêu chí 13: Số lượng bằng sáng chế được công bố (Trọng số: 3%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trong 3 năm gần nhất.
Tiêu chuẩn 5: Chất lượng người học (10%) gồm 2 tiêu chí như sau:
Tiêu chí 14: Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào (Trọng số 8%): Tiêu chí này được xác định bằng điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất vào trường bằng phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Dữ liệu được thu thập từ website của các cơ sở giáo dục đại học công bố trong năm xếp hạng của VNUR.
Tiêu chí 15: Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm (Trọng số 2%): Tiêu chí này được thu thập từ Báo cáo công khai và Đề án tuyển sinh năm hàng năm của cơ sở giáo dục đại học. Đây là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp của năm trước thời điểm xếp hạng.
Tiêu chuẩn 6: Cơ sở vật chất (5%) gồm 2 tiêu chí:
Tiêu chí 16: Tỉ lệ diện tích sàn xây dựng toàn trường trên mỗi sinh viên (Trọng số 4%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm, có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.
Tiêu chí 17: Số lượng e-books, số lượng sách in, số lượng nguồn cơ sở dữ liệu…) (Trọng số: 1%): Tiêu chí này được xác định dựa vào các thông tin của Báo cáo công khai kết hợp với Đề án tuyển sinh do các trường đại học công bố hàng năm, có điều chỉnh theo tỷ lệ được cho là tối ưu nhất.