Ngày 26/8/2021, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn đã dự và chủ trì Hội nghị giao ban công tác xếp hạng đại học theo hình thức trực tuyến.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng và các Ban chức năng; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng phụ trách mảng đảm bảo chất lượng (ĐBCL), trưởng bộ phận ĐBCL và chuyên viên (trực tiếp phụ trách công tác xếp hạng đại học) của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên, trực thuộc; đại diện lãnh đạo Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục. Tại Hội nghị, đại diện Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục đã trình bày kết quả xếp hạng của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng quốc tế năm 2021 và kế hoạch xếp hạng năm 2022. Với sự chuẩn bị về nguồn lực kỹ lưỡng, nghiên cứu chi tiết các tiêu chí xếp hạng và đưa vào nhiệm vụ hoạt động chung trong năm 2020, năm 2021 là một trong những năm mà ĐHQGHN đã có nhiều thành tựu nổi bật trong công tác xếp hạng đại học ở một số bảng xếp hạng uy tín trên thế giới. Từ cơ sở đó, ĐHQGHN đang được khẳng định là một trong những cơ sở giáo dục hạng đầu của Việt Nam và đã được ghi nhận tại các bảng xếp hạng thế giới uy tín. ĐHQGHN đứng đầu tại Việt Nam trong một loạt các bảng xếp hạng thế giới, các bảng xếp hạng theo lĩnh vực. Để đạt được những thành tựu như thế là một thành công của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của ĐHQGHN đã làm việc nỗ lực, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ chung. Với tham luận “Thực trạng và giải pháp thực hiện chỉ tiêu chiến lược về khoa học công nghệ của ĐHQGHN gắn với xếp hạng đại học”, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN Vũ Văn Tích đã trình bày trước Hội nghị về tiêu chí KH&CN trong một số bảng xếp hạng đại học; kết quả thực hiện tiêu chí KH&CN gắn với xếp hạng đại học giai đoạn 2016-2021; Một số tồn tại, hạn chế và chiến lược, giải pháp thực hiện chiến lược KH&CN của ĐHQGHN giai đoạn 2021-2030 gắn với xếp hạng ĐH và trách nhiệm quốc gia. PGS.TS. Trần Quốc Bình – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì chia sẻ một số kinh nghiệm thúc đẩy công bố quốc tế, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, bao gồm: chú trọng xây dựng văn hóa công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT); tổ chức các diễn đàn trao đổi, chia sẻ để nâng cao khát vọng và kinh nghiệm công bố quốc tế; có chính sách hỗ trợ, khen thưởng thường xuyên đối với bài báo quốc tế, sách chuyên khảo quốc tế, đăng ký SHTT. Việc tìm kiếm nguồn lực cho nghiên cứu cũng được chú trọng, thông qua tăng cường đề xuất và triển khai các dự án đầu tư thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu; khuyến khích cán bộ đăng ký đề tài với sản phẩm công bố quốc tế và chủ động trong hợp tác quốc tế. Trong tham luận “Giải pháp thực hiện chỉ tiêu chiến lược về quốc tế hóa của ĐHQGHN gắn với các chỉ số xếp hạng đại học”, Phó trưởng Ban Hợp tác và Phát triển Lê Tuấn Anh đã nêu một số biện pháp thu hút, nâng cao số lượng sinh viên quốc tế như: Xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; Phát triển các chương trình trao đổi sinh viên với các đối tác quốc tế, châu Á – khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, châu Âu,…; Thông qua các hội và hiệp hội đại học mà ĐHQGHN hoặc đơn vị là thành viên như AUN-ACTS, UMAP-UCTS,…; Nâng cấp cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế: phòng ở ký túc xá, phòng học, … Đối với giảng viên nước ngoài, đại diện Ban Hợp tác và Phát triển cho rằng, cần lưu ý đến quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ giảng dạy, thỉnh giảng, bán cơ hữu có quốc tịch nước ngoài; Phát triển cơ sở vật chất và khu lưu trú phù hợp, đáp ứng được yêu cầu làm việc của chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài; Triển khai Chương trình trao đổi giảng viên, học giả quốc tế nhằm thu hút các giáo sư, giảng viên giỏi nước ngoài tham gia vào quá trình nghiên cứu, và đào tạo; Thúc đẩy hợp tác với các đối tác nước ngoài, triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu phối hợp… Theo số liệu thống kê từ tháng 1/1/2016 đến 31/12/2020, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã tiếp nhận 824 học giả đến trao đổi học thuật và hợp tác nghiên cứu. Để đạt được kết quả này, Hiệu trưởng Nguyễn Trúc Lê đã chia sẻ kinh nghiệm kết nối học giả tại Trường ĐH Kinh tế như: Tăng cường kết nối thông qua hợp tác nghiên cứu, tham gia hội nghị – hội thảo, trao đổi học thuật; Xây dựng kế hoạch chiến lược và xác định rõ chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ trong ngắn hạn và dài hạn; Tăng cường và phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng tham gia NCKH và trao đổi học thuật. Ông Võ Thanh Sơn – Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường đã trình bày trước Hội nghị tham luận về chủ đề “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và vai trò của trường đại học – Thực tiễn của Viện Tài nguyên và Môi trường”. Ông chia sẻ, phát triển bền vững là xu thế của thời đại từ cuối thế kỷ thứ XX và đầu thế kỷ thứ XXI mà Chương trình nghị sự 2030 và 17 mục tiêu PTBV SDG là minh chứng rõ nét nhất. Viện Tài nguyên và Môi trường luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững như là định hướng chiến lược cho sự phát triển của đơn vị mình. Sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu và các trường đại học trong thực hiện Agenda 2030 và 17 SDG cũng là thể hiện trách nhiệm với xã hội mà qua đó có thể nâng cao vị thế trên trường quốc tế và góp phần vào thúc đẩy công tác xếp hạng đại học của mình. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn ghi nhận và đánh giá cao vai trò điều phối của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục và sự tham gia tích cực của các đơn vị trong công tác xếp hạng đại học. Ông khẳng định, sự tham gia của tất cả các đơn vị sẽ giúp phát huy lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực của ĐHQGHN cũng như góp phần gia tăng vị thế của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng. Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn đề nghị, để nâng cao vị thế ở các bảng xếp hạng đại học, trong thời gian tới, ĐHQGHN cần tập trung duy trì ổn định và gia tăng các chỉ số về đào tạo (tỷ lệ giảng viên/sinh viên, quy mô đào tạo sau đại học/đại học, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ). Cần thúc đẩy các chỉ số về nghiên cứu, xây dựng chính sách và kế hoạch triển khai hoạt động nhằm gia tăng số lượng và chất lượng công bố khoa học. Có chính sách phát triển hợp tác quốc tế nhằm gia tăng tỷ lệ học giả và người học quốc tế tới ĐHQGHN nghiên cứu và làm việc. Trong năm học tới, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên, trực thuộc dựa theo điểm mạnh để xây dựng chỉ tiêu và kế hoạch công tác xếp hạng đại học năm học 2021 – 2022. Các đơn vị cần triển khai các giải pháp thúc đẩy sự gắn kết với các đối tác khoa học, nhà tuyển dụng để vừa gia tăng nguồn lực phát triển, vừa nâng cao các chỉ số về uy tín học thuật, uy tín tuyển dụng của đơn vị và ĐHQGHN. Cùng với việc thực hiện các giải pháp truyền thông về đào tạo, nghiên cứu khoa học một cách bài bản, hiện đại, Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn cũng nhấn mạnh cần đồng bộ hóa nhận diện thương hiệu giữa đơn vị và ĐHQGHN, đảm bảo đúng chủ trương OneVNU trên các giao dịch và diễn đàn quốc tế. Công tác xếp hạng đại học như là một phương thức quản trị mục tiêu chiến lược và đo lường, đánh giá chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức của một đơn vị.
Các tin liên quan: – Xếp hạng Webometrics thế giới tháng 7/2021: ĐHQGHN trong top 1000 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc – ĐHQGHN trong nhóm 251-300 của Bảng xếp hạng đại học Times Higher Education 2021 Châu Á – 5 ngành đào tạo của ĐHQGHN được QS thế giới 2021 xếp hạng – QS World University Rankings by Subject 2021 – Webometrics 2021: ĐHQGHN đứng vị trí 17 Đông Nam Á và trong nhóm 1000 thế giới – ĐHQGHN giữ vững vị trí số 1 Việt Nam trong nhiều lĩnh vực của bảng xếp hạng THE WUR by Subject 2021 – Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí 160 trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2021 – Xếp hạng QS World University Rankings 2021: ĐHQGHN lần thứ 3 liên tiếp đứng trong nhóm 1000 thế giới
|